Cần biết gì khi làm thủ tục nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 116?

Để gói hỗ trợ theo Nghị quyết 116 nhanh chóng đến tay người dân, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành hướng dẫn thực hiện, trong đó có một số lưu ý khi nhận tiền hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Để gói hỗ trợ theo Nghị quyết 116 nhanh chóng đến tay người dân, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành hướng dẫn thực hiện, trong đó có một số lưu ý khi nhận tiền hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Mới đây, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành hướng dẫn thực hiện thủ tục nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 116 tại Công văn 3068/BHXH-CSXH, trong đó, cần lưu ý một số điểm sau:

 

1. Có được từ chối nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 116?

Theo Công văn 3068, chính sách giảm đóng vào quỹ BHTN cho người sử dụng lao động và chính sách hỗ trợ người  lao động không áp dụng đối với đối tượng tự nguyện không nhận hỗ trợ.

Cụ thể, đối với người lao động đang tham gia đóng BHTN, chỉ cần thông báo với người sử dụng lao động để kê khai thông tin vào mẫu 02 ban hành kèm theo Quyết định 28, ghi rõ Không nhận hỗ trợ để gửi đến cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH).

Trường hợp đơn vị sử dụng lao động tự nguyện không nhận hỗ trợ thì đơn vị phản hồi với cơ quan bảo hiểm xã hội bằng văn bản.

Như vậy, dù đối tượng được nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 116 rất lớn, tuy nhiên, người tự nguyện không nhận hỗ trợ có thể từ chối.

 

2. Giáo viên trường công có được nhận hỗ trợ?

Theo Nghị quyết 116, đối tượng được hưởng hỗ trợ là người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30/9/2021 (không bao gồm người lao động đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên)…

Vì thế, nhiều người cho rằng, cứ là giáo viên đang làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập thì không được hưởng hỗ trợ.

Tuy nhiên, suy nghĩ này chưa đúng.

Bởi theo quy định, chỉ giáo viên, người lao động làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên mới không được hưởng.

Công văn 3068 cũng quy định rõ loại trừ với người lao động đang làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và các quy định pháp luật hiện hành về tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Nghĩa là giáo viên, người lao động đang làm việc tại đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên thì vẫn được hưởng hỗ trợ nếu đáp ứng được điều kiện.



Người lao động có thể từ chối nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 116 (Ảnh minh họa)

 



3. Hạn cuối nộp hồ sơ là khi nào?

– Đối với đơn vị sử dụng lao động có thông tin người lao động đúng, đủ: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được danh sách do cơ quan BHXH gửi đến;

– Đối với đơn vị sử dụng lao động có thông tin người lao động cần điều chỉnh: Chậm nhất đến hết ngày 10/11/2021.

– Đối với người lao động đã dừng tham gia BHTN: Chậm nhất đến hết ngày 20/12/2021.

4. Có thể nhận hỗ trợ bằng tiền mặt được không?

Người lao động có thể nhận hỗ trợ bằng tiền mặt. Nhưng theo Quyết định 28, khuyến khích chi trả thông qua tài khoản ngân hàng của người lao động.

Công văn 3068 thì quy định, trường hợp người lao động chưa có số tài khoản cá nhân, doanh nghiệp phối hợp với các ngân hàng hỗ trợ người lao động mở tài khoản cá nhân.

Như vậy, để tránh mất thời gian mở tài khoản ngân hàng, bạn cần chuẩn bị sẵn tài khoản ngân hàng của cá nhân để nhận hỗ trợ.

 

5. Người lao động tự nộp hồ sơ tại cơ quan BHXH nào?

Theo quy định, có đến 02 trường hợp người lao động nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 116 phải tự mình thực hiện thủ tục:

– Người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2020 đến hết ngày 30/9/2021 có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu theo quy định của pháp luật về việc làm, không bao gồm người hưởng lương hưu hàng tháng.

– Người lao động đang tham gia BHTN tại thời điểm 30/9/2021 nhưng sau ngày 30/11 vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ.

Trường hợp này, người lao động được đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh hoặc cấp huyện nơi người lao động có nhu cầu nhận hỗ trợ (bất cứ cơ quan BHXH nào).

 Trên đây là một số lưu ý khi nhận tiền hỗ trợ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Nếu còn vướng mắc, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

>> Đã nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 116, tôi có bị mất tiền BHTN?

Có thể bạn quan tâm

07/10/2021

07/10/2021

07/10/2021

Nội dung được sưu tầm bởi luatphap.vn

Bạn có bất kỳ câu hỏi nào vui lòng để lại comment.

Hotline: Liên hệ chúng tôi Email: tuvan@luatphap.vn

Ghi nguồn khi đăng tải lại

Để gói hỗ trợ theo Nghị quyết 116 nhanh chóng đến tay người dân, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành hướng dẫn thực hiện, trong đó có một số lưu ý khi nhận tiền hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).