Kế hoạch 165/KH-UBND Hà Nội thực hiện Công điện 584/CĐ-TTg tăng cường phòng cháy, chữa cháy

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI ——-

Số: 165/KH-UBND

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
——-

Số: 165/KH-UBND

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Hà Nội, ngày 31 tháng 7 năm 2019

 

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CÔNG ĐIỆN SỐ 584/CĐ-TTG NGÀY 19/5/2019 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY

 

Thời gian gần đây, tình hình cháy, nổ diễn biến phức tạp, đã xảy ra nhiều vụ cháy lớn, nhất là khu vực nội thành, địa bàn tập trung đông dân cư, kho, xưởng sản xuất, khu công nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Thực hiện Công điện số 584/CĐ-TTg, ngày 19/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy; đồng thời, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy, ngăn chặn, giảm thiểu số vụ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra, nhất là trong điều kiện thời tiết cực đoan, nắng nóng kéo dài, UBND thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm Công điện số 584/CĐ-TTg ngày 19/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác PCCC. Phát huy vai trò của các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã trong việc phối hợp kiểm tra và xử lý các cơ sở trọng điểm có nguy cơ cháy, nổ cao.

2. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân,… trên địa bàn Thành phố, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình đối với công tác PCCC&CNCH.

3. Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về công tác PCCC, năng lực và hiệu quả trong công tác chữa cháy và CNCH nhằm làm giảm số vụ cháy, không để xảy ra cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, góp phần đảm bảo vững chắc an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

Tiếp tục bám sát nội dung: Luật PCCC, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC, Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC; các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 1635/QĐ-TTg ngày 22/9/2015 về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW; Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 05/12/2018 về việc tăng cường công tác PCCC tại khu dân cư; Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 09/10/2018 về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư và các văn bản chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố về công tác PCCC&CNCH trên địa bàn Thành phố (1); UBND Thành phố yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ngành và Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tập trung thực hiện ngay một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố phải xác định công tác PCCC&CNCH là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, hàng ngày; nơi nào, địa phương nào để xảy ra cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản thì Thủ trưởng đơn vị, địa phương nơi đó chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Thành phố và trước pháp luật (2).

2. Tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới hình thức, phương pháp và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức PCCC&CNCH, trong đó tập trung nâng cao nhận thức, trách nhiệm, nghĩa vụ của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong công tác PCCC; tự giác chấp hành và tích cực tham gia công tác PCCC&CNCH. Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố, dân quân tự vệ, PCCC cơ sở, chuyên ngành và lực lượng PCCC rừng.

3. Nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về PCCC, nhất là đối với các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, khu dân cư, rừng; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về PCCC, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đồng thời, xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ để xảy ra tình trạng vi phạm, mất an toàn về PCCC tại địa bàn, cơ sở.

4. Rà soát, hệ thống hóa các văn bản pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến công tác PCCC để đề xuất ban hành hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về PCCC trong tình hình mới.

5. Huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị các cấp và toàn dân vào việc thực hiện nhiệm vụ PCCC&CNCH. Củng cố, duy trì hoạt động hiệu quả của lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố, dân quân tự vệ trong hoạt động PCCC; quan tâm đầu tư trang bị phương tiện, thiết bị PCCC và nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng dân phòng, thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ).

6. Tổ chức tốt công tác thường trực, tiếp nhận thông tin, huy động nhanh nhất lực lượng, phương tiện để dập tắt ngay đám cháy, kịp thời cứu người, tài sản; xây dựng và thường xuyên diễn tập, thực tập các phương án chữa cháy và CNCH có huy động nhiều lực lượng tham gia.

7. Tập trung xây dựng lực lượng PCCC (Cảnh sát PCCC&CNCH; PCCC chuyên ngành; PCCC cơ sở và lực lượng dân phòng) đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ về công tác PCCC&CNCH trong tình hình mới; nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Thủ đô theo hướng chính quy, chuyên nghiệp, từng bước hiện đại (3).

III. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Công an Thành phố

a) Thường trực, tham mưu giúp UBND Thành phố tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật, chỉ đạo của Đảng, nhà nước về PCCC&CNCH trên địa bàn Thành phố. Tiếp tục phối hợp Văn phòng UBND Thành phố theo dõi, đôn đốc các đơn vị trong việc triển khai thực hiện các Kế hoạch của UBND Thành phố về công tác PCCC&CNCH.

b) Phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông, các cấp, các ngành, UBMTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội,… Tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới hình thức, phương pháp và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức PCCC&CNCH, trong đó tập trung nâng cao nhận thức, trách nhiệm, nghĩa vụ của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong công tác PCCC; tự giác chấp hành và tích cực tham gia công tác PCCC&CNCH.

c) Phối hợp các sở, ngành liên quan rà soát, hệ thống hóa các văn bản pháp luật, tiêu chuẩn, kỹ thuật liên quan đến công tác PCCC để đề xuất ban hành hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về PCCC trong tình hình mới.

d) Thực hiện tốt, có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC&CNCH trên địa bàn Thành phố; nắm chắc tình hình, địa bàn liên quan đến công tác PCCC&CNCH; phối hợp các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra an toàn PCCC các cơ sở trọng điểm; theo chuyên ngành, chuyên đề chuyên sâu; tiếp tục rà soát, đánh giá thực trạng công tác PCCC tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, kho bãi, cơ sở sản xuất, các chung cư, nhà cao tầng, khu dân cư, chợ, trung tâm thương mại, các cơ sở kinh doanh hoạt động vui chơi giải trí, karaoke, vũ trường, nơi tập trung đông người, rừng… Kịp thời phát hiện, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, chủ cơ sở và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với cơ sở không bảo đảm an toàn PCCC theo quy định của pháp luật.

e) Thường xuyên nâng cao số lượng, chất lượng công tác đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC&CNCH cho lực lượng PCCC và các đối tượng khác theo quy định. Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố, dân quân tự vệ, PCCC cơ sở, chuyên ngành và lực lượng PCCC rừng.

f) Thực hiện nhiệm vụ là cơ quan thường trực về công tác PCCC&CNCH trên địa bàn Thành phố; bảo đảm sẵn sàng về lực lượng, phương tiện, tổ chức thường trực 24/24 giờ để tiếp nhận, xử lý thông tin về chữa cháy, CNCH. Xây dựng và thường xuyên diễn tập, thực tập các phương án chữa cháy và CNCH có huy động nhiều lực lượng tham gia.

Chủ trì theo dõi, đôn đốc các sở, ban, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ quy định về công tác CNCH của lực lượng PCCC; Phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với Bộ Tư lệnh Thủ đô trong triển khai thực hiện nhiệm vụ CNCH trên địa bàn Thành phố.

g) Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành Thành phố triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 812/QĐ-UBND ngày 17/02/2016 về việc phê duyệt Dự án “Quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

h) Triển khai các biện pháp PCCC&CNCH bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị, hội họp, ngoại giao quan trọng của Đảng, Nhà nước và Thành phố; các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao… diễn ra tại Hà Nội.

2. Sở Thông tin và Truyền thông

Hướng dẫn, đề nghị các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội, hệ thống thông tin cơ sở tiếp tục duy trì chuyên trang, chuyên mục về PCCC; tăng thời lượng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về PCCC, kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn cho người dân; kịp thời biểu dương gương người tốt, việc tốt; phê phán các hành vi vi phạm pháp luật về PCCC.

3. Sở Quy hoạch – Kiến trúc

a) Phối hợp chặt chẽ với Công an Thành phố trong việc phê duyệt quy hoạch, kiến trúc các dự án, công trình đảm bảo theo đúng quy định về PCCC.

b) Phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã rà soát về quy hoạch đối với địa điểm bố trí trụ sở làm việc của các đơn vị Cảnh sát PCCC&CNCH tại các quận huyện, thị xã, báo cáo UBND Thành phố xem xét chấp thuận làm cơ sở triển khai các thủ tục theo quy định.

c) Trong quá trình lập dự án quy hoạch, cải tạo các khu dân cư, khu đô thị, khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề… cần chú trọng đến việc quy hoạch, cải tạo đồng bộ về giao thông, cấp điện, nước, thông tin liên lạc…

4. Sở Giao thông vận tải

a) Tiếp tục tổ chức kiểm tra, xử lý, giải tỏa ngay các công trình, vật kiến trúc, cọc, bục, barie… không phù hợp cản trở công tác chữa cháy, CNCH trên các tuyến phố, đường nội đô, ngoại đô của Thành phố.

b) Phối hợp với Công an Thành phố có phương án tổ chức phân luồng giao thông cho từng địa bàn cụ thể, đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến giao thông chính để xử lý kịp thời mọi tình huống khi xảy ra cháy, nổ, sự cố tai nạn.

5. Sở Xây dựng

a) Tham mưu UBND Thành phố ban hành các văn bản theo thẩm quyền nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về PCCC trong lĩnh vực xây dựng; triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 09/10/2018 về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư.

b) Rà soát, đề xuất UBND Thành phố xây dựng, lắp đặt bổ sung các trụ cấp nước chữa cháy, bể nước dự trữ chữa cháy tại các khu dân cư, các khu đô thị, xây dựng các bến lấy nước, hố ga thu nước tại các hồ chứa nước trữ lượng lớn đã được phê duyệt.

6. Sở Lao động Thương binh và Xã hội

Phối hợp Công an Thành phố tuyên truyền, hướng dẫn công tác đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động, phòng chống cháy, nổ; kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong các cơ sở, doanh nghiệp và công trình xây dựng; hàng năm chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động thiết thực, có hiệu quả.

7. Sở Công thương

Phối hợp với Công an Thành phố đảm bảo an toàn PCCC trong lĩnh vực công thương; tăng cường phối hợp kiểm tra công tác PCCC đối với các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động, kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ. Kiên quyết không cấp giấy phép hoạt động, kinh doanh đối với những cơ sở, doanh nghiệp không đảm bảo các điều kiện về an toàn PCCC theo quy định của pháp luật.

8. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Nâng cao năng lực PCCC rừng giai đoạn 2014 – 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1938/QĐ-TTg ngày 28/10/2014; Quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND Thành phố về công tác bảo vệ, PCCC rừng.

b) Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm Hà Nội và các đơn vị liên quan tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ và PCCC rừng; thường xuyên kiểm tra về PCCC rừng, phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm quy định về PCCC rừng, nhất là vào thời điểm nắng nóng, hanh khô kéo dài, nhằm ngăn chặn nguy cơ cháy; kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm quy định an toàn PCCC rừng; hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện phương án PCCC rừng của các chủ rừng; xây dựng và củng cố lực lượng PCCC tại chỗ, đầu tư, trang bị phương tiện PCCC rừng; định kỳ tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC cho các lực lượng chuyên ngành, chuyên trách bảo vệ rừng.

9. Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội

a) Sẵn sàng phương án, phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức hiệp đồng, huy động, bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu các tình huống khẩn cấp về cháy, nổ, sự cố tai nạn, thực hiện tìm kiếm cứu nạn khi có cháy, nổ xảy ra; chỉ đạo thực hiện việc ứng cứu và xử lý kịp thời các tình huống khẩn cấp, khắc phục hậu quả do cháy, nổ, sự cố tai nạn khi có yêu cầu.

b) Phối hợp với Công an Thành phố thực hiện tốt công tác PCCC&CNCH tại các cơ sở thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội theo quy định tại Nghị định số 78/2011/NĐ-CP ngày 01/9/2011 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 03/2014/TTLT-BCA-BQP ngày 03/9/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 78/2011/NĐ-CP.

10. Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Báo Hà Nội mới, Báo Kinh tế – Đô thị

Tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều cách làm phong phú, đa dạng có sức lan tỏa lớn đến mọi tầng lớp nhân dân. Phối hợp các cơ quan chức năng xây dựng các chương trình tuyên truyền, đưa các tin, bài, phóng sự có nội dung giáo dục pháp luật về công tác PCCC&CNCH; nêu những gương điển hình tiên tiến, những mô hình tiêu biểu, kinh nghiệm hay trong PCCC; cảnh báo những nguy cơ gây cháy, nổ và hướng dẫn cách tự phòng ngừa.

11. Các sở, ban, ngành khác

a) Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ tăng cường chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật, hướng dẫn các kiến thức về PCCC&CNCH; tích cực tham gia công tác PCCC&CNCH. Tổ chức thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được giao tại các kế hoạch của UBND Thành phố về công tác PCCC&CNCH trên địa bàn Thành phố đã ban hành.

b) Tiếp tục củng cố, kiện toàn lực lượng PCCC cơ sở, PCCC chuyên ngành, Ban Chỉ huy PCCC&CNCH ở ngành mình. Xây dựng lực lượng này đáp ứng cho công tác PCCC&CNCH theo phương châm “bốn tại chỗ”.

12. Ban Quản lý các khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội

Phối hợp với Công an Thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức về PCCC&CNCH đến người lao động tại các doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất; kiện toàn, củng cố đảm bảo 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao có đội PCCC cơ sở đảm bảo hoạt động có hiệu quả; trang bị các phương tiện, thiết bị và bảo đảm các điều kiện thực hiện nhiệm vụ PCCC&CNCH theo quy định.

13. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội và các đoàn thể chính trị – xã hội

a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; phối hợp với các cơ quan tổ chức tập huấn về PCCC cho các tổ chức thành viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân. Gắn thực hiện các quy định PCCC với nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

b) Phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC; biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác PCCC&CNCH.

14. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã

a) Quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc Công điện số 584/CĐ-TTg ngày 19/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ và các nhiệm vụ được giao tại các Kế hoạch của UBND Thành phố về công tác PCCC&CNCH đã ban hành.

b) Tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới hình thức, phương pháp và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức PCCC&CNCH, trong đó tập trung nâng cao nhận thức, trách nhiệm, nghĩa vụ của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong công tác PCCC; vận động nhân dân tự giác chấp hành và tích cực tham gia công tác PCCC&CNCH. Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố, dân quân tự vệ, PCCC cơ sở, chuyên ngành…

c) Nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về PCCC, nhất là đối với các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, khu dân cư, rừng; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về PCCC, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đồng thời, xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ để xảy ra tình trạng vi phạm, mất an toàn về PCCC tại địa bàn, cơ sở nơi nào, địa phương nào để xảy ra cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản thì Thủ trưởng đơn vị, địa phương nơi đó chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Thành phố và trước pháp luật.

d) Huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị các cấp và toàn dân vào việc thực hiện nhiệm vụ PCCC&CNCH. Củng cố, duy trì hoạt động hiệu quả của lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố, dân quân tự vệ trong hoạt động PCCC; quan tâm đầu tư trang bị phương tiện, thiết bị PCCC và nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng dân phòng, thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”.

e) Chủ động đề xuất địa điểm bố trí trụ sở làm việc của các đơn vị Cảnh sát PCCC&CNCH tại các quận huyện, thị xã; phối hợp Sở Quy hoạch – Kiến trúc rà soát về quy hoạch, báo cáo UBND Thành phố xem xét chấp thuận làm cơ sở triển khai các thủ tục theo quy định.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao và nội dung Kế hoạch này tổ chức triển khai thực hiện. Định kỳ 06 tháng (trước ngày 15/6), 01 năm (trước ngày 15/12) báo cáo kết quả thực hiện về UBND Thành phố (qua Công an Thành phố) để tổng hợp.

2. Giao Công an Thành phố phối hợp Văn phòng UBND Thành phố giúp UBND Thành phố hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch; tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố theo quy định./.

 

Nơi nhận:

– Văn phòng Chính phủ;
– Bộ Công an;
– Thường trực Thành ủy, HĐND TP;
– Đ/c Chủ tịch UBND Thành phố; (Để báo cáo)
– Các đ/c PCT UBND Thành phố;
– UBMTTQ TP và các đoàn thể;
– Các sở, ban, ngành Thành phố;
– UBND các quận, huyện, thị xã;
– Cổng TTĐT Thành phố;
– VPUB: CVP, các PCVP, NC, TKBT;
– Lưu: VT, NC.











TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH

Nguyễn Văn Sửu






 

 

(1) Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 31/10/2018 của Thành ủy về nâng cao trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị – xã hội và nhân dân trong công tác PCCC&CNCH trên địa bàn Thành phố; Kế hoạch số 66/KH-UBND ngày 04/4/2016 về việc thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư; Kế hoạch số 88/KH-UBND ngày 14/4/2017 về việc PCCC&CNCH trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2017-2020; Kế hoạch số 128/KH-UBND ngày 01/6/2017 về việc khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác PCCC&CNCH trên địa bàn Thành phố; Kế hoạch số 224/KH-UBND, ngày 10/12/2018 về việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức PCCC trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2019 – 2021; Kế hoạch số 46/KH-UBND ngày 21/02/2019 về việc thực hiện Đề án nâng cao chất lượng, tính chuyên trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ PCCC&CNCH của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH năm 2019; Kế hoạch số 52/KH-UBND ngày 27/02/2019 về thực hiện Đề án nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC đối với các khu chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn Thành phố năm 2019; Kế hoạch số 58/KH-UBND ngày 06/3/2019 về thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 31/10/2018 của Thành ủy về nâng cao trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị – xã hội và nhân dân trong công tác PCCC&CNCH trên địa bàn Thành phố; Kế hoạch số 103/KH-UBND ngày 25/4/2019 về tăng cường công tác PCCC&CNCH tại các khu dân cư trên địa bàn Thành phố; Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 03/7/2019 của Chủ tịch UBND Thành phố về tăng cường công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các kho hàng hóa, xưởng sản xuất trong khu dân cư trên địa bàn Thành phố Hà Nội…

(2) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm toàn diện về công tác PCCC tại cơ quan, đơn vị do mình quản lý; tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc duy trì các biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn các vụ cháy, nổ xảy ra; đặc biệt là việc quản lý, sử dụng hệ thống, thiết bị điện và các chất, hàng nguy hiểm cháy, nổ,…

(3) Tiếp tục tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 812/QĐ-UBND ngày 17/02/2016 của UBND Thành phố về việc phê duyệt Dự án “Quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH của thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

 

 

Văn bản đang xem

Kế hoạch 165/KH-UBND Hà Nội thực hiện Công điện 584/CĐ-TTg tăng cường phòng cháy, chữa cháy

Nội dung được sưu tầm bởi luatphap.vn

Bạn có bất kỳ câu hỏi nào vui lòng để lại comment.

Hotline: Liên hệ chúng tôi Email: tuvan@luatphap.vn

Ghi nguồn khi đăng tải lại

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI ——-

Số: 165/KH-UBND

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh