Làm nhà gỗ có phải xin giấy phép không? Nếu phải xin giấy phép thì cần phải chuẩn bị những giấy tờ gì? … Những câu hỏi xoay quanh nội dung cấp giấy phép xây dựng cho nhà gỗ – một loại nhà đang tồn tại khác phổ biến hiện nay
Làm nhà gỗ có phải xin giấy phép không? Nếu phải xin giấy phép thì cần phải chuẩn bị những giấy tờ gì? … Những câu hỏi xoay quanh nội dung cấp giấy phép xây dựng cho nhà gỗ – một loại nhà đang tồn tại khác phổ biến hiện nay – sẽ được chúng tôi phân tích, giải đáp trong bài viết phía dưới.
Câu hỏi: Chào HieuLuat, gia đình tôi đang có dự định xây dựng căn nhà với mục đích là để ở, vật liệu xây dựng chính là bằng gỗ, trừ một vài diện tích trong căn nhà không thể xây lắp được bằng gỗ (ví dụ như kệ bếp, nhà vệ sinh…). Vậy Luật sư cho tôi hỏi, với trường hợp của gia đình tôi như vậy thì có phải xin giấy phép xây dựng trước khi xây nhà không? Nếu phải xin thì hồ sơ tôi cần chuẩn bị gồm những gì?
Làm nhà gỗ có phải xin giấy phép không?
Căn cứ Luật Xây dựng 2014, trước khi xây dựng các công trình, chủ đầu tư/người sở hữu các công trình xây dựng phải xin cấp giấy phép xây dựng (trừ các trường hợp được miễn).
Theo thông tin chúng tôi nhận được, gia đình bạn đang có ý định xây dựng căn nhà ở được lắp ghép, xây dựng bằng vật liệu chính là gỗ; Công trình nhà ở này của bạn sẽ không phải xin cấp giấy phép xây dựng nếu thuộc một trong những trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng 2014, được sửa đổi bởi khoản 30 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020, cụ thể như sau:
– Nhà gỗ là công trình xây dựng tạm theo quy định tại Điều 131 Luật Xây dựng 2014, được sửa đổi bởi khoản 49 Điều 1 Luật Xây dựng 2020: Đây là loại công trình có kết cấu đơn giản, không có đầy đủ các công năng sử dụng như công trình chính, chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn và sẽ được phá dỡ khi hết thời hạn tồn tại hoặc khi công trình chính đã được xây dựng hoặc theo quyết định thu hồi/phá dỡ của cấp có thẩm quyền;
– Việc xây dựng nhà gỗ là quá trình thực hiện sửa chữa, cải tạo bên trong công trình hoặc công trình sửa chữa, cải tạo mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đồng thời, nội dung sửa chữa, cải tạo không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng đến an toàn kết cấu chịu lực của nhà gỗ, phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn phòng, chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường;
– Hoặc nhà gỗ nằm nằm trên địa bàn hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên hoặc nhà gỗ là công trình xây dựng theo tuyến ngoài đô thị phù hợp với quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
– Trường hợp nhà gỗ mà gia đình bạn dự định xây dựng là công trình đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thông báo kết quả thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở đủ điều kiện phê duyệt thiết kế xây dựng và đáp ứng các điều kiện về cấp giấy phép xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng 2014 cũng là trường hợp được miễn giấy phép xây dựng;
– Nhà gỗ được miễn xin giấy phép xây dựng nếu thuộc trường hợp nhà ở riêng lẻ có quy mô dưới 07 tầng thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
– Nhà gỗ của gia đình bạn là nhà ở riêng lẻ ở nông thôn có quy mô dưới 07 tầng và thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; hoặc nhà gỗ thuộc loại nhà ở riêng lẻ ở miền núi, hải đảo thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng (loại trừ nhà ở riêng lẻ được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa);
Nếu thuộc một trong những trường hợp nêu trên thì việc xây dựng căn nhà gỗ của gia đình bạn sẽ không cần phải xin giấy phép xây dựng trước khi thi công công trình xây dựng.
Kết luận: Dựa trên thông tin bạn cung cấp, việc xây dựng căn nhà ở là nhà gỗ của gia đình bạn chỉ được miễn giấy phép xây dựng nếu nó thuộc một trong số các trường hợp:
+ Nằm trên địa bàn hai đơn vị hành chính cấp tỉnh hoặc là công trình theo tuyến ngoài đô thị phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
+ Hoặc nhà gỗ là nhà ở riêng lẻ có quy mô dưới 7 tầng, thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, hoặc thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
+ Hoặc nhà gỗ của bạn được xây dựng ở khu vực nông thôn, quy mô dưới 7 tầng và thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn (loại trừ nhà gỗ là nhà ở riêng lẻ được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa);
+ Hoặc nhà gỗ là nhà ở riêng lẻ ở địa bàn miền núi, hải đảo thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng (loại trừ nhà gỗ là nhà ở riêng lẻ được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa);
Nếu nhà gỗ của gia đình bạn không thuộc một trong những trường hợp nêu trên thì gia đình bạn bắt buộc phải xin cấp giấy phép xây dựng trước khi khởi công xây dựng.
Hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng nhà gỗ gồm những gì?
Trong trường hợp không được miễn giấy phép xây dựng, gia đình bạn cần chuẩn bị hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng theo quy định tại Điều 95 Luật Xây dựng 2014, cụ thể gồm:
– Đơn đề nghị cấp mới giấy phép xây dựng nhà ở: Mẫu số 01 Phụ lục II ban hành tại Nghị định 15/2021/NĐ-CP;
– Một trong những giấy tờ chứng minh về quyền sử dụng đất (bản sao có công chứng) theo quy định tại Điều 3 Nghị định 53/2017/NĐ-CP (ví dụ như giấy chứng nhận/sổ hồng, các loại giấy tờ theo quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013/hoặc Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP…); hoặc đối với công trình theo tuyến là văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về vị trí và phương án tuyến/hoặc Quyết định thu hồi đất của cấp có thẩm quyền theo quy định;
– 02 bản vẽ thiết kế xây dựng nhà ở là nhà gỗ: Đối với trường hợp công trình xây dựng nhà gỗ là công trình không theo tuyến thì bản vẽ thiết kế xây dựng là bản vẽ thiết kế trong hồ sơ thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở được phê duyệt theo quy định của pháp luật về xây dựng, ví dụ như sơ đồ vị trí tuyến công trình, bản vẽ mặt bằng tổng thể hoặc bản vẽ bình đồ công trình, bản vẽ các mặt cắt dọc và mặt cắt ngang chủ yếu của tuyến công trình, bản vẽ mặt bằng, mặt cắt móng…;
– Văn bản cam kết đảm bảo an toàn của gia đình bạn đối với việc xây dựng nhà gỗ nếu có công trình liền kề công trình nhà gỗ của gia đình bạn;
Đây là toàn bộ các giấy tờ, tài liệu mà gia đình bạn cần phải chuẩn bị để thực hiện xin cấp giấy phép xây dựng theo quy định pháp luật.
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, gia đình bạn nộp hồ sơ này cho Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có nhà xây dựng.
Kết luận: Khi xin giấy phép xây dựng, gia đình bạn cần chuẩn bị đầy đủ những tài liệu, giấy tờ như chúng tôi nêu trên và được nộp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có nhà được xây dựng để được giải quyết.
Trên đây là giải đáp về Làm nhà gỗ có phải xin giấy phép không? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ luatphap.vn để được hỗ trợ.
>> Cải tạo nhà cấp 4 có cần giấy phép xây dựng không?
>> Chi phí xin giấy phép xây dựng nhà cấp 4 là bao nhiêu?
Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt
Công ty Luật TNHH I&J – Đoàn luật sư TP. Hà Nội
Có thể bạn quan tâm
16/09/2022
15/09/2022
15/09/2022
Nội dung được sưu tầm bởi luatphap.vn
Bạn có bất kỳ câu hỏi nào vui lòng để lại comment.
Hotline: Liên hệ chúng tôi Email: tuvan@luatphap.vn
Ghi nguồn khi đăng tải lại
Làm nhà gỗ có phải xin giấy phép không? Nếu phải xin giấy phép thì cần phải chuẩn bị những giấy tờ gì? … Những câu hỏi xoay quanh nội dung cấp giấy phép xây dựng cho nhà gỗ – một loại nhà đang tồn tại khác phổ biến hiện nay