Nghị định 07/2021/NĐ-CP chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025

CHÍNH PHỦ

_______

Số: 07/2021/NĐ-CP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
<

CHÍNH PHỦ

_______

Số: 07/2021/NĐ-CP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

________________________

Hà Nội, ngày 27 tháng 01 năm 2021

 

 

NGHỊ ĐỊNH

Quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025

___________

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025.

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Nghị định này quy định về các tiêu chí đo lường nghèo đa chiều; chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình và trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo giai đoạn 2021 – 2025.

2.  Đối tượng áp dụng

a) Hộ gia đình.

b)  Các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân tham gia công tác giảm nghèo và an sinh xã hội.

Điều 2. Chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều năm 2021

1. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 tiếp tục thực hiện chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 – 2020 theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Chuẩn nghèo quy định tại Khoản 1 Điều này là căn cứ để đo lường và giám sát mức độ thiếu hụt về thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; là cơ sở xác định đối tượng để thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và hoạch định các chính sách kinh tế – xã hội khác năm 2021.

Điều 3. Chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025

1. Các tiêu chí đo lường nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025

a) Tiêu chí thu nhập

Khu vực nông thôn: 1.500.000 đồng/người/tháng.

Khu vực thành thị: 2.000.000 đồng/người/tháng.

b) Tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản

Các dịch vụ xã hội cơ bản (06 dịch vụ), gồm: việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin.

Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (12 chỉ số), gồm: việc làm; người phụ thuộc trong hộ gia đình; dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin.

c)  Dịch vụ xã hội cơ bản, chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản và ngưỡng thiếu hụt quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình giai đoạn 2022 – 2025

a)  Chuẩn hộ nghèo

Khu vực nông thôn: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Khu vực thành thị: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

b) Chuẩn hộ cận nghèo

Khu vực nông thôn: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.

Khu vực thành thị: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.

c)  Chuẩn hộ có mức sống trung bình

  Khu vực nông thôn: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1.500.000 đồng đến 2.250.000 đồng.

  Khu vực thành thị: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

d)  Chuẩn hộ nghèo, chuẩn hộ cận nghèo, chuẩn hộ có mức sống trung bình quy định tại Khoản 2 Điều này là căn cứ để đo lường và giám sát mức độ thiếu hụt về thu nhập và dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; là cơ sở xác định đối tượng để thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và hoạch định các chính sách kinh tế – xã hội khác giai đoạn 2022 – 2025.

Điều 4. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

a)  Chỉ đạo các địa phương tổ chức rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và xác định hộ có mức sống trung bình theo chuẩn nghèo quy định tại Điều 2 Nghị định này.

b)  Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm và quy trình xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022 – 2025.

c)  Bắt đầu từ năm 2021, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm.

2.  Bộ Kế hoạch và Đầu tư

a)  Bổ sung hệ thống thu thập số liệu các chiều, chỉ số nghèo đa chiều trong khảo sát mức sống dân cư nhằm phục vụ theo dõi, đánh giá tình trạng nghèo đa chiều của quốc gia và các địa phương.

b)  Hằng năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố tỷ lệ nghèo chung (có cập nhật chỉ số giá tiêu dùng – CPI), tỷ lệ hộ thiếu hụt về thu nhập và các dịch vụ xã hội cơ bản, chỉ số nghèo đa chiều (MPI).

3.  Bộ Tài chính

Cân đối, bố trí ngân sách để thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm.

4. Các bộ, ngành liên quan

Trên cơ sở mức độ thiếu hụt về thu nhập và các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân trên phạm vi cả nước và từng địa phương, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp tác động trong các chương trình, dự án, chính sách đặc thù và thường xuyên nhằm nâng cao thu nhập và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân, nhất là các vùng có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao.

5. Ủy ban Dân tộc phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành liên quan xây dựng, hướng dẫn, thực hiện các giải pháp giảm nghèo đa chiều bền vững, phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

6. Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội tăng cường giám sát việc thực hiện chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025 và quá trình triển khai các chính sách, chương trình hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng theo quy định.

7. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

a) Truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và người dân về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn; việc rà soát, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo;

b) Tổ chức rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đầu kỳ; rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025; phân loại đối tượng thụ hưởng chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội hằng năm; xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình hằng năm.

c) Tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao thu nhập và khả năng tiếp cận, sử dụng hiệu quả các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân trên địa bàn.

d) Căn cứ điều kiện và khả năng thực tế của địa phương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể nâng tiêu chí thu nhập cao hơn chuẩn nghèo đa chiều quốc gia với điều kiện tự cân đối ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật và bổ sung tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (dịch vụ, chỉ số thiếu hụt), điều chỉnh ngưỡng đo lường các chỉ số thiếu hụt để thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.

Điều 5. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2021.

Điều 6. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

Nơi nhận:

Ban Bí thư Trung ương Đảng;

Thủ tướng Chính phủ,

Các Phó Thủ tướng Chính phủ;

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;

Văn phòng Tổng Bí thư;

Văn phòng Chủ tịch nước;

Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;

Văn phòng Quốc hội;

Kiểm toán nhà nước;

Tòa án nhân dân tối cao;

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;

Ngân hàng Chính sách xã hội;

Ngân hàng Phát triển Việt Nam;

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;

VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;

– Lưu: VT, KGVX (2).

TM. CHÍNH PHỦ

THỦ TƯỚNG

 

 

 

 

 

Nguyễn Xuân Phúc

 

 

Phụ lục

DỊCH VỤ XÃ HỘI CƠ BẢN, CHỈ SỐ ĐO LƯỜNG MỨC ĐỘ THIẾU HỤT DỊCH VỤ XÃ HỘI CƠ BẢN VÀ NGƯỠNG THIẾU HỤT TRONG CHUẨN NGHÈO ĐA CHIỀU GIAI ĐOẠN 2022 – 2025

Nghị định số 07/2021/ND-CP ngày 27 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ)

 

Dịch vụ xã hội cơ bản

(Chiều thiếu hụt)

Chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản

Ngưỡng thiếu hụt

1. Việc làm

Việc làm

Hộ gia đình có ít nhất một người không có việc làm (người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động, sẵn sàng/mong muốn làm việc nhưng không tìm được việc làm); hoặc có việc làm công ăn lương nhưng không có hợp đồng lao động*.

(*) Xem xét cho việc làm thường xuyên, đều đặn, mang tính chất ổn định hoặc tương đối ổn định.

Người phụ thuộc trong hộ gia đình

Hộ gia đình có tỷ lệ người phụ thuộc trong tổng số nhân khẩu lớn hơn 50%. Người phụ thuộc bao gồm: trẻ em dưới 16 tuổi; người cao tuổi hoặc người khuyết tật đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng.

2. Y tế

Dinh dưỡng

Hộ gia đình có ít nhất một trẻ em dưới 16 tuổi suy dinh dưỡng chiều cao theo tuổi hoặc suy dinh dưỡng cân nặng theo tuổi.

Bảo hiểm y tế

Hộ gia đình có ít nhất một người từ đủ 6 tuổi trở lên hiện không có bảo hiểm y tế.

3. Giáo dục

Trình độ giáo dục của người lớn

Hộ gia đình có ít nhất một người trong độ tuổi từ 16 tuổi đến 30 tuổi không tham gia các khóa đào tạo hoặc không có bằng cấp, chứng chỉ giáo dục đào tạo so với độ tuổi tương ứng [Người từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi đang học hoặc đã tốt nghiệp trung học cơ sở; từ 18 tuổi đến 30 tuổi đang học hoặc đã tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc sơ cấp/trung cấp/cao đẳng nghề; hoặc người từ 16 tuổi đến 30 tuổi được doanh nghiệp tuyển dụng và chứng nhận đào tạo nghề tại chỗ (hình thức vừa học vừa làm)].

 

Tình trạng đi học của trẻ em

Hộ gia đình có ít nhất 1 trẻ em từ 3 tuổi đến dưới 16 tuổi không được học đúng bậc, cấp học phù hợp với độ tuổi (trẻ từ 3 tuổi đến dưới 6 tuổi được tiếp cận giáo dục mầm non, trẻ từ 6 tuổi đến dưới 12 tuổi được tiếp cận giáo dục tiểu học và trẻ từ 12 tuổi đến dưới 16 tuổi được tiếp cận giáo dục trung học cơ sở).

4. Nhà ở

Chất lượng nhà ở

Hộ gia đình đang sống trong ngôi nhà/căn hộ thuộc loại không bền chắc (trong ba kết cấu chính là tường, cột, mái thì có ít nhất hai kết cấu được làm bằng vật liệu không bền chắc).

 

Diện tích nhà ở bình quân đầu người

Diện tích nhà ở bình quân đầu người của hộ gia đình nhỏ hơn 8 m2.

5. Nước sinh hoạt và vệ sinh

Nguồn nước sinh hoạt

Hộ gia đình không tiếp cận được nguồn nước sạch trong sinh hoạt (gồm: nước máy, giếng khoan, giếng đào được bảo vệ, nước khe/mó được bảo vệ và nước mưa, nước đóng chai bình).

 

Nhà tiêu hợp vệ sinh

Hộ gia đình không sử dụng hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh (gồm: tự hoại/bán tự hoại, thấm dội nước (Suilabh), cải tiến có ống thông hơi (VIP), hố xí đào có bệ ngồi, hai ngăn).

6. Thông tin

Sử dụng dịch vụ viễn thông

Hộ gia đình không có thành viên nào sử dụng dịch vụ internet.

 

Phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin

Hộ gia đình không có phương tiện nào trong số các phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin:

–  Phương tiện dùng chung: Tivi, radio, máy tính để bàn, điện thoại;

–  Phương tiện cá nhân: Máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh.

 

Văn bản đang xem

Nghị định 07/2021/NĐ-CP chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025

Nội dung được sưu tầm bởi luatphap.vn

Bạn có bất kỳ câu hỏi nào vui lòng để lại comment.

Hotline: Liên hệ chúng tôi Email: tuvan@luatphap.vn

Ghi nguồn khi đăng tải lại

CHÍNH PHỦ

_______

Số: 07/2021/NĐ-CP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
<