Nhân khẩu nông nghiệp là gì? Hiểu thế nào cho đúng?

Nhân khẩu nông nghiệp là gì? Thuật ngữ này được sử dụng ở đâu? Nhà nước thu hồi đất thì có hỗ trợ gì cho nhân khẩu nông nghiệp?… Những câu hỏi xoay quanh nội dung nhân khẩu nông nghiệp sẽ được chúng tôi giải đáp chi tiết t

Nhân khẩu nông nghiệp là gì? Thuật ngữ này được sử dụng ở đâu? Nhà nước thu hồi đất thì có hỗ trợ gì cho nhân khẩu nông nghiệp?… Những câu hỏi xoay quanh nội dung nhân khẩu nông nghiệp sẽ được chúng tôi giải đáp chi tiết trong bài viết dưới đây.

Câu hỏi: Chào Luật sư, xin Luật sư giải đáp cho tôi nhân khẩu đất nông nghiệp là gì? Nhân khẩu nông nghiệp được nhận khoản hỗ trợ gì khi Nhà nước thu hồi đất không?

Chào bạn, với thắc mắc về nhân khẩu nông nghiệp là gì mà bạn đang quan tâm, chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:

Nhân khẩu nông nghiệp là gì? Hiểu thế nào cho đúng?

Một là, nhân khẩu là thuật ngữ xuất hiện từ thời điểm Luật Đất đai 1987 có hiệu lực thi hành (từ ngày 08/01/1988), còn thuật ngữ nhân khẩu nông nghiệp được sử dụng nhiều vào giai đoạn Luật Đất đai 1993 có hiệu lực thi hành (từ ngày 15/10/1993). Về cơ bản, có thể giải nghĩa thuật ngữ nhân khẩu nông nghiệp là cá nhân tham gia sản xuất nông nghiệp trong phạm vi địa giới hành chính nhất định (ví dụ thôn, xã,…).

Theo đó, Nghị định 64-CP của Chính phủ đã quy định nhân khẩu nông nghiệp là đối tượng được Nhà nước giao đất nông nghiệp sử dụng ổn định, lâu dài (đất nông nghiệp sử dụng ổn định, lâu dài tại giai đoạn này được hiểu là Nhà nước giao đất trồng cây hàng năm, nuôi trồng thuỷ sản cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân là 20 năm và với mục đích trồng cây lâu năm là 50 năm). Dựa trên số lượng nhân khẩu nông nghiệp mà Nhà nước quyết định diện tích đất nông nghiệp giao cho hộ gia đình, cá nhân và cũng là căn cứ để Nhà nước thực hiện các chính sách về đất đai trong giai đoạn này.

Hai là, trải qua quá trình xây dựng, áp dụng, chỉnh sửa văn bản pháp luật, hiện nay, Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành từ 01/07/2014 đã sử dụng thuật ngữ hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp để thay thế, bổ sung cho thuật ngữ nhân khẩu nông nghiệp. Khoản 30 Điều 3 Luật Đất đai 2013 định nghĩa hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là:

30. Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là hộ gia đình, cá nhân đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp; nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó.

Bên cạnh việc phát triển kỹ thuật lập pháp thì Luật Đất đai 2013 và văn bản liên quan vẫn sử dụng thuật ngữ nhân khẩu nông nghiệp để biểu đạt ý nghĩa gốc của thuật ngữ, ví dụ trong trường hợp liên quan đến bồi thường, hỗ trợ tái định cư như tại khoản 5 Điều 4 Nghị định 01/2017/NĐ-CP, Nghị định 47/2014/NĐ-CP…

Như vậy, nhân khẩu nông nghiệp hiểu đơn giản là cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên diện tích đất được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng hoặc được nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp. Việc xác định số lượng nhân khẩu nông nghiệp là căn cứ để Nhà nước tính toán diện tích đất giao cho hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp.

Nhân khẩu nông nghiệp được hỗ trợ gì khi Nhà nước thu hồi đất?

Theo quy định của Luật Đất đai 2013, hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp mà bị thu hồi đất nông nghiệp thì còn được xem xét nhận các khoản hỗ trợ sau:

Một là, hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất

Đây là khoản hỗ trợ được áp dụng đối với các đối tượng là hộ gia đình, cá nhân, tổ chức kinh tế, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang sử dụng đất nông nghiệp mà bị thu hồi, bao gồm cả các hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Hình thức sử dụng đất nông nghiệp có thể là được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận, được giao khoán từ các nông, lâm trường quốc doanh, được nhận thừa kế, tự khai hoang…

Những đối tượng nêu trên phải được cấp Giấy chứng nhận hoặc phải có hợp đồng giao khoán để chứng minh quyền sử dụng hợp pháp của mình thì mới có thể nhận khoản hỗ trợ này.

Hai là, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm

Khoản hỗ trợ này được áp dụng đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp mà bị thu hồi đất nông nghiệp nhưng Nhà nước không có đất nông nghiệp để bồi thường.

Nhà nước thực hiện hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề cho cá nhân/hộ gia đình, tiến hành tìm kiếm việc làm trong độ tuổi lao động cho các thành viên có nhu cầu và được nhận vào các cơ sở đào tạo nghề nếu thuộc trường hợp đào tạo nghề.

Phương án hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm được phê duyệt cùng với phương án bồi thường hỗ trợ, tái định cư và được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất lập dựa trên kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện.

Ba là, các khoản hỗ trợ khác

Các khoản hỗ trợ khác, biện pháp hỗ trợ, mức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ… được thực hiện theo Quyết định của chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi hộ gia đình, cá nhân có đất nông nghiệp bị thu hồi.

Việc hỗ trợ này phải dựa trên nguyên tắc đảm bảo người dân có chỗ ở, ổn định đời sống, sản xuất, công bằng đối với mọi người bị thu hồi đất và phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương. Trong trường hợp đặc biệt, chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể trình Thủ tướng chính phủ quyết định.

Như vậy, hiện có 3 khoản hỗ trợ mà hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được xem xét nhận khi bị Nhà nước thu hồi đất.

Trên đây là giải đáp về Nhân khẩu nông nghiệp là gì? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  luatphap.vn để được hỗ trợ.

>> Những ai được mua đất nông nghiệp? Điều kiện mua thế nào?

>> Ký hiệu đất nông nghiệp khác cụ thể như thế nào?

Có thể bạn quan tâm

02/09/2022

31/08/2022

30/08/2022

Nội dung được sưu tầm bởi luatphap.vn

Bạn có bất kỳ câu hỏi nào vui lòng để lại comment.

Hotline: Liên hệ chúng tôi Email: tuvan@luatphap.vn

Ghi nguồn khi đăng tải lại

Nhân khẩu nông nghiệp là gì? Thuật ngữ này được sử dụng ở đâu? Nhà nước thu hồi đất thì có hỗ trợ gì cho nhân khẩu nông nghiệp?… Những câu hỏi xoay quanh nội dung nhân khẩu nông nghiệp sẽ được chúng tôi giải đáp chi tiết t